Một thập kỷ tối tăm
Thượng thọ 107 tuổi nhưng trải qua hơn mười năm sống chung với cảnh mù lòa, cụ bà Phạm Thị Tương (sinh năm 1917, Phù Mỹ, Bình Định) từng nghĩ rằng việc thượng thọ của mình chưa hẳn là hồng phúc. Tuổi già neo đơn với đôi mắt mù khiến cụ nhiều khi cảm thấy bất hạnh hơn là may mắn. Mọi việc chỉ bắt đầu thay đổi khi cụ biết đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn, nơi trả lại ánh sáng cho đôi mắt đã gần như mất hẳn thị lực của mình.
Trước khi điều trị, hai mắt của cụ Tương bị đục thủy tinh thể cấp độ 4 và 5. Đây là tình trạng mà thủy tinh thể của bệnh nhân đã cứng hoàn toàn, chuyển sang màu vàng, nâu đen, cấu trúc bị xơ cứng. Lúc này người bệnh chỉ còn nhận thức được sáng tối và hoàn toàn không thể nhìn rõ được cảnh vật xung quanh (hay còn gọi là “thị lực bóng bàn tay”).
Ảnh: Mắt bị đục thủy tinh thể cấp độ 5
Sống một mình, không chồng con, cách đây vài năm lại bị tai biến dẫn đến liệt một bên người nên đôi mắt mù khiến cụ Tương gặp vô vàn khó khăn. Nhờ vào những người họ hàng và hàng xóm tốt bụng, bà cụ mò mẫm sống qua ngày. Trong suốt hơn mười năm, hàng xóm và họ hàng đã thay nhau đưa cụ đi khám tại tất cả các bệnh viện trong tỉnh, phạm vi mà khả năng của cụ có thể đến được, nhưng đến đâu cụ cũng đều bị từ chối điều trị bởi lo ngại về vấn đề sức khỏe. Thực tế, mức độ đục của thủy tinh thể và tình trạng suy tim, tăng huyết áp của cụ là một bài toán phức tạp mà không phải cơ sở y tế nào cũng đủ sức giải quyết. Những người trước nay muốn giúp cụ đều bắt đầu khuyên cụ bỏ cuộc, chấp nhận đôi mắt mù bởi dẫu sao ở cái tuổi thượng thọ xưa nay hiếm này, vẫn còn trí tuệ minh mẫn đã là một điều may mắn.
Hành trình tìm lại ánh sáng
Nhưng ngay cả khi những người trẻ xung quanh gần như buông bỏ, cụ già hơn trăm tuổi vẫn không thôi nuôi hy vọng. Cụ nghĩ, mắt phải nhìn được thì niềm vui sống mới trọn vẹn. Vì thế, khi nghe tin về một người hàng xóm bị đục thủy tinh thể đã được điều trị thành công ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn, cụ Tương nhất quyết nhờ đứa cháu họ xa đưa mình đến khám. Hy vọng đầu tiên được nhen nhóm khi tại đây, bác sĩ nói rằng, đôi mắt của cụ hoàn toàn có thể được xử lý bằng phương pháp mổ phaco bởi bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm.
Ảnh: Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai khám cho cụ Phạm Thị Tương
Ngay trong ngày thăm khám, cụ Tương được cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và chuyển vào phòng mổ. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn cụ nghĩ. Chỉ 3 ngày sau, điều kỳ diệu đã đến: cụ đã có thể bắt đầu nhìn thấy trở lại. Ngày tái khám sau mổ một tuần với thị lực đã nâng lên được 5/10, cụ Tương hạnh phúc nhìn rõ được gương mặt của vị bác sĩ phẫu thuật cho mình – Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn.
Ảnh: Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai thực hiện ca mổ
Đánh giá về ca mổ này, Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai chia sẻ: “Đây là một trong những ca rất khó của phẫu thuật đục thủy tinh thể do bệnh nhân bị đục thủy tinh thể mức độ nặng, nhân xơ cứng, đồng tử ít giãn và huyết áp rất khó kiểm soát bởi chứng suy tim ở người cao tuổi cộng với bệnh lý nền tăng huyết áp. Để ca mổ thành công, kinh nghiệm dày dặn của phẫu thuật viên là điều kiện tiên quyết, nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến đóng góp đáng kể của đội ngũ gây mê hồi sức và sự hỗ trợ của máy phẫu thuật Centurion – dòng máy ưu việt nhất trong phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện nay”.
Ảnh: Cụ Tương và Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai sau ca mổ thành công
Với kết quả tuyệt vời sau khi điều trị mắt thứ nhất, cụ Tương quyết định phẫu thuật mắt thứ hai để có được thị lực tối đa. Nghe tin cụ bà hơn trăm tuổi thực hiện hai ca phẫu thuật trong vòng một tháng, ai nấy đều không khỏi hồi hộp. Suốt thời gian cụ nằm trong phòng mổ, Giám đốc và nhân viên cả bệnh viện nôn nao ngóng tin để rồi sau đó vỡ òa vui sướng khi bác sĩ thông báo ca mổ của cụ đã thành công tốt đẹp. Cảm kích trước nghị lực vượt qua bệnh tật và rào cản tuổi tác của cụ, Ban Giám đốc Bệnh viện cho miến phí toàn bộ ca phẫu thuật để chúc mừng cụ với những tình cảm tốt đẹp nhất và nhân dịp đó, trao tặng cụ gói chăm sóc sức khỏe thị lực miễn phí suốt đời tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn.
Ảnh: BGĐ Bệnh viện chúc mừng ca mổ thành công của cụ Tương
Hạnh phúc phía cuối con đường
Trải qua hơn mười năm sống trong bóng tối, giờ đây, khi có thể ngắm nhìn cuộc sống muôn màu bằng chính đôi mắt của mình, cụ Tương hạnh phúc chia sẻ: "Tui chịu cảnh mù lòa suốt hơn 10 năm, luôn ước mơ có ngày được nhìn thấy trở lại. Nay nhờ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn mà mơ mới thành thiệt. Tui rất biết ơn Bệnh viện, biết ơn Ban giám đốc, bác sĩ và các cháu nhân viên ở đây."
Đối với cụ Tương, cảm nhận cuộc sống vẹn tròn bằng mọi giác quan của mình là niềm hạnh phúc giản đơn nhất nhưng cũng là niềm hạnh phúc đủ đầy nhất. Hành trình tìm lại ánh sáng của cụ để được sống trọn vẹn mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời có lẽ sẽ là niềm cảm hứng cho bất kỳ ai. Luôn có kỳ tích cho những người không từ bỏ hy vọng, ánh sáng luôn rực rỡ, ở phía cuối con đường.