VIÊM BỜ MI

VIÊM BỜ MI

1. Viêm bờ mi mắt là gì

Thực ra, viêm bờ mi mắt chính là một trong những bệnh lý liên quan đến mắt rất khó điều trị, cụ thể mí mắt – bộ phận che chắn và bảo vệ nhãn cầu bị các tác nhân gây bệnh tấn công dữ dội, dẫn đến tình trạng viêm và gây ra cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. 

Mặc dù không khiến cho thị lực của bạn bị tổn thương vĩnh viễn nhưng đây cũng được cho là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng khô mắt. Thậm chí, nếu chủ quan, không kịp thời phát hiện và chữa trị thì sẽ dẫn đến những biến chứng khác như lẹo, loét giác mạc…. 

Đặc biệt, khi mắc căn bệnh này thì người bệnh sẽ có nguy cơ viêm bờ mi trên lẫn viêm bờ mi dưới, tức là được bao phủ bởi những vi khuẩn và phần tử có dầu bám ở gần chân lông mi, dẫn đến hiện tượng mắt bị kích thích, ngứa ngáy, tấy đỏ đồng thời luôn luôn có cảm giác bị phỏng.

2. Nguyên nhân gây viêm bờ mi mắt

Mặc dù chưa xác định được chính xác và rõ ràng nguyên nhân dẫn đến căn bệnh viêm bờ mi nhưng một số yếu tố được cho là tác nhân gây bệnh có liên quan như sau: 

2.1 Vi khuẩn

Dường như ai cũng biết, trên bề mặt da của mỗi người đều có vi khuẩn. Tuy nhiên, đối với một số người thì lại có sự khác biệt là vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trên da ở vùng chân lông mi, giống như xuất hiện vảy gàu và hình thành các hạt nhỏ dọc theo lông mi cũng như bờ mí mắt.

2.2 Côn trùng

Một trong những lý do khiến nhiều người bị mắc bệnh viêm bờ mi mắt không thể không kể đến chính là bởi rận lông mi – loại ký sinh trùng nhỏ có tên là Demodex, trú ngụ trong nang lông mi. 

Viêm bờ mi ở trẻ do côn trùng

2.3 Dị ứng

Bên cạnh vi khuẩn hay côn trùng thì ít ai biết rằng, việc dị ứng với mỹ phẩm hay không phù hợp với những thành phần của thuốc men cũng khiến cho nhiều người mắc căn bệnh viêm bờ mi.

3. Dấu hiệu viêm bờ mi mắt

Thông thường, các triệu chứng dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm bờ mi mọi người dễ dàng nhận thấy, sẽ bao gồm:

3.1 Mí mắt ngứa, sưng

Bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy mí mắt của mình liên tục bị ngứa ngáy, giống như có vật gì đó ở bên trong đôi mắt nhưng không thấy lấy ra được. Đồng thời, mí mắt cũng sẽ bị sưng phồng lên. Chú ý là tuyệt đối không nên dụi mắt nhiều lần để bệnh không bị ảnh hưởng trầm trọng.

Mí mắt bị ngứa và sưng

3.2 Cảm giác nóng rát trong mắt

Không chỉ ngứa, sưng mà người bệnh còn thường có cảm giác nóng rát trong mắt, cộm lên như có cát, chất tiết bám ở bờ mi… kèm theo sự đau đớn ở mức độ trung bình.

3.3 Mí mắt tiết dịch nhờn, chảy nước mắt

Dấu hiệu, triệu chứng phổ biến của căn bệnh viêm bờ mi mắt chính là mí mắt bị tiết dịch nhờn đồng thời xuất hiện các gỉ mắt hay còn gọi ghèn bị ứ đọng ở các góc mắt. Từ đó, sẽ làm cho nước mắt bị chảy ra giàn giụa, liên tục mà không cần bất kỳ một tác động, va chạm nào cả.

3.4 Mắt đỏ

Cũng giống như dấu hiệu của căn bệnh đau mắt đỏ phổ biến, bờ mi mắt của người bệnh sẽ bị viêm rồi tấy đỏ do sung huyết, xuất hiện rất nhiều vệt màu đỏ xung quanh tròng đen.

3.5 Nhạy cảm với ánh sáng

Chính bởi bị viêm nên mắt sẽ bị yếu, mờ dần và cảm thấy rất nhạy cảm, đau đớn khi tiếp xúc với ánh sáng.

4. Các loại viêm bờ mi

Ít ai biết rằng, viêm bờ mi mắt không chỉ có một loại mà có tới 3 dạng và mỗi dạng sẽ có đặc điểm, triệu chứng, dấu hiệu… khác nhau.

4.1 Viêm bờ mi đơn thuần

Đây là loại viêm bờ mi đơn giản, phổ biến hay thường gặp. Những biểu hiện của dạng bệnh này sẽ là bờ mi ngứa, hơi tấy đỏ và có cảm giác cộm lên trong mắt như vướng víu vật gì đó khiến cho bệnh nhân thường phải chớp mắt liên tục và luôn cảm thấy mỏi mí khi nhìn quá nhiều ánh đèn vào lúc chiều tối. 

4.2 Viêm bờ mi có vảy

Dạng thứ hai chính là viêm bờ mi mắt có vảy – loại vảy nhỏ, khô có màu trắng đục giống như gàu trên da đầu. Nếu mắc phải loại bệnh này, bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy thường xuyên ngứa ở bờ mi đồng thời bộ phận này sẽ có hiện tượng sưng đỏ và dày lên. Từ đó, người bệnh luôn cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng của bóng đèn hay bụi bẩn.

4.3 Viêm loét bờ mi

Cuối cùng là viêm loét bờ mi – dạng bệnh ở hình thái nặng, người bệnh sẽ phải chịu đựng cảm giác vô cùng đau đớn kèm theo ngứa dai dẳng ở mí mắt. Đặc biệt, có nguy cơ xuất hiện mủ ở chân lông mi khiến chúng cứ dính vào nhau cho nên còn được gọi là viêm bờ mi có mủ. Rồi khi mủ khô đi thì rất khó lấy xuống, làm cho lông mi bị rụng nhiều hoặc loét ở chân lông. Từ đó, khiến mắt bị cộm lên như vướng víu và luôn trong trạng thái sợ ánh sáng, bụi bẩn. Nguy hiểm hơn, loại bệnh này có thể gây lộn mi.

5. Viêm bờ mi có nguy hiểm không

Nhiều người cứ băn khoăn, lo lắng không biết căn bệnh này có thực sự nguy hiểm hay có gây ra những hậu quả, biến chứng trầm trọng? Trên thực tế, viêm bờ mi chỉ dẫn đến tình trạng, hiện tượng khô mắt, bị chắp lẹo mi hay làm xuất hiện biến chứng gây ảnh hưởng đến giác mạc từ đó có thể mắc thêm bệnh viêm giác mạc hay viêm kết mạc. Mặc dù gây kích thích mắt nhưng lại rất ít ảnh hưởng hay không hề làm tổn thương đến thị lực. 

6. Viêm bờ mi có lây không

Như đã nói, bệnh viêm bờ mi mắt là tình trạng bị viêm mãn tính ở bờ giác mạc của mi mắt và những nguyên nhân của bệnh viêm bờ mi mắt là do vi khuẩn, côn trùng hay dị ứng gây ra nên nó không dễ bị lây nhiễm qua đường tiếp xúc.

 

7. Viêm bờ mi bao lâu thì khỏi

Thực ra, viêm bờ mi khó có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh không khó chữa mà lại dễ dàng chữa trị cũng như kiểm soát được tình trạng mà không gây ra những khó chịu cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào từng dạng bệnh của viêm bờ mi mắt, đội ngũ y bác sĩ hay chuyên gia y tế sẽ tư vấn, đưa ra liệu trình hay phương pháp phù hợp  cho người bệnh. 

Muốn khắc phục được những biến chứng của bệnh thì yêu cầu bệnh nhân cần có sự kiên trì, chăm chỉ, chịu khó và luôn tuân thủ theo đúng chỉ định hướng dẫn của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh nhẹ thì sẽ nhanh chóng hồi phục và đạt mức độ ổn định, bình thường. Còn trong trường hợp, bệnh trở nặng mà biết phối hợp điều trị thì bệnh cũng sẽ nhanh chóng đi vào tầm kiểm soát.

Đặc biệt, để biết thông tin rõ ràng, chính xác hơn về việc viêm bờ mi bao lâu khỏi thì ngay sau khi phát hiện ra những dấu hiệu, triệu chứng đầu tiên của bệnh thì mọi người không được tự ý điều trị mà cần đi thăm khám mắt tổng quát ở các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện chất lượng như bệnh viện đa khoa Vinmec… đồng thời làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, được kê thuốc để việc chữa trị đạt hiệu quả cũng như biết thêm cách bảo vệ, giữ gìn vệ sinh cho mắt tốt nhất. 

8. Điều trị viêm bờ mi mắt

Mọi người nên tham khảo thêm những thông tin hữu ích dưới đây để biết được cách chữa trị bệnh viêm bờ mi vô cùng đơn giản, hiệu quả mà lại an toàn.

8.1 Vệ sinh mắt

Vấn đề đầu tiên mà bạn phải làm đó là luôn luôn biết cách bảo vệ và giữ gìn vệ sinh cho đôi mắt của mình thật sạch sẽ. Kể cả khi bệnh đã khỏi hay thuyên giảm nhưng nếu lơ là thì hoàn toàn có thể tái phát trở lại.

Mọi người có thể làm sạch bờ mi bằng cách dùng gạc thấm hoặc tăm bông cho vào dung dịch gội đầu của trẻ sơ sinh (lưu ý dung dịch này không gây kích thích mắt) đã được pha loãng rồi chà sạch bờ mi một cách nhẹ nhàng để không gây ảnh hưởng đến mắt rồi rửa lại bằng nước sạch. Nên áp dụng từ 1-2 lần trong 1 ngày là tốt nhất. Bên cạnh đó nên thường xuyên sử dụng gạc ấm để đắp và chườm ấm mí mắt trong khoảng 10-15 phút hay massage mí mắt theo chiều kim đồng hồ, từ trong ra ngoài… Tuyệt đối, không nên trang điểm hay đeo kính áp tròng trong thời gian trị bệnh.

Giữ gìn vệ sinh mắt

8.2 Thuốc kháng sinh

Cùng với giữ vệ sinh đôi mắt sạch sẽ thì sử dụng thuốc kháng sinh cũng mang lại hiệu quả cao trong việc chữa trị căn bệnh viêm bờ mi. Vì thế, khi được bác sĩ nhãn khoa kê toa, chỉ định cho một số loại thuốc mỡ kháng sinh giúp cải thiện sự tiết nhờn của tuyến meibomius thì bạn có thể sử dụng bông gòn hay đầu ngón tay đã được rửa sạch để thoa nhẹ nhàng một lượng thuốc mỡ nhỏ lên mí mắt hay dưới chân lông mi vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài thuốc kháng sinh thì loại thuốc nhỏ mắt chứa steroid hay nước mắt nhân tạo cũng được đánh giá là hỗ trợ rất tốt để làm giảm tình trạng khô mắt hay bị viêm bờ mi mắt.

9. Cách phòng tránh viêm bờ mi mắt

Ông bà ta thường có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì thế bạn đừng nên đợi đến lúc có bệnh mới chữa mà hãy luôn chủ động, tự giác phòng tránh bệnh viêm bờ mi bằng cách thường xuyên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa mặt, rửa tay hàng ngày, không dụi mắt nhiều lần, nên sử dụng khăn mặt riêng, nguồn nước sạch…
Nếu có thói quen sử dụng các sản phẩm trang điểm mắt hàng ngày thì nên vệ sinh mắt sau khi tẩy trang để tránh vi khuẩn xâm nhập vào mí mắt, gây bệnh. Khi đi ra ngoài đường, cần chịu khó đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi khói bụi, tia cực tím, ánh nắng mặt trời…

Mong rằng với những thông tin hữu ích mà bài viết đã cố gắng tổng hợp và chia sẻ về căn bệnh viêm bờ mi mắt như trên thì mỗi người sẽ có thêm được nhiều kiến thức mới mẻ để chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình và gia đình một cách toàn diện.

-------------------------------------
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN QUY NHƠN
✨ 𝗦𝗮́𝗻𝗴 𝗺𝐚̆́𝘁 𝘀𝗮́𝗻𝗴 𝗰𝐚̉ 𝗻𝗶𝐞̂̀𝗺 𝘁𝗶𝗻 ✨
💒 : D10-11, Đường Điện Biên Phủ, Phường Nhơn Bình,Tp. Quy Nhơn, Bình Định
☎️ HOTLINE: 0389 877 899
📞Điện thoại: 0256 39 00 256
♻️Tổng đài CSKH toàn quốc: 1900 555 553
📧Email: contact.msgqn@matsaigon.com

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN

Phaco: 0389 877 899 Lasik: 02563900256